Lượt xem: 5085

Khởi nghĩa Nam kỳ ở Sóc Trăng - ý chí kiên cường, tinh thần quật khởi

Sóc Trăng - vùng đất thuộc Nam Bộ, không phải là vùng đất “địa linh - nhân kiệt” như những vùng đất khác. Song là vùng đất sinh sống, cố kết cộng đồng của 3 tộc người Kinh - Khmer - Hoa từ xưa, là một trong những cái nôi của cách mạng miền Nam khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Từ khi mở làng, lập ấp, các tộc người đến đây sinh sống cũng là quá trình chung lưng, đấu cật, khai phá đất đai, mở rộng lãnh thổ, đoàn kết chinh phục thiên nhiên, chống cường quyền, áp bức của địa chủ, phong kiến đương thời. 

    Khi thực dân Pháp xâm lược, cùng với cả nước, Nhân dân Sóc Trăng đã đoàn kết đứng lên đấu tranh chống lại ách thống trị của thực dân, phong kiến. Đặc biệt, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930) lãnh đạo cách mạng Việt Nam, ở Sóc Trăng từ giữa năm 1930 - 1940 chi bộ Đảng ở các làng lần lượt được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, của những đảng viên cộng sản đầu tiên, phong trào cách mạng ở Sóc Trăng chuyển biến mạnh mẽ, nhanh chóng trở thành niềm tin của Nhân dân các tộc người ở Sóc Trăng; nhiều hình thức đấu tranh được tổ chức như phong trào quần chúng công khai, phong trào đấu tranh chính trị, binh vận, vũ trang được tổ chức Đảng lãnh đạo, lúc bí mật, lúc công khai… mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa hưởng ứng khởi nghĩa Nam Kỳ, tại làng Hòa Tú (huyện Mỹ Xuyên ngày nay) vào ngày 23/11/1940, đã giành thắng lợi trọn vẹn ở địa một bàn nông thôn. Cùng với cuộc khởi nghĩa ở các tỉnh khác thuộc Nam Kỳ, khởi nghĩa ở Sóc Trăng là sự kiện có tiếng vang lớn, thể hiện ý chí kiên cường, tinh thần quật khởi và sức mạnh đoàn kết các tộc người ở Sóc Trăng, khẳng định giá trị lãnh đạo phong trào cách mạng của tổ chức hạt nhân, khẳng định truyền thống lịch sử của vùng đất và con người Sóc Trăng, làm phong phú thêm những giá trị độc đáo của cuộc chiến tranh Nhân dân ở địa phương và của dân tộc; đồng thời cho thấy cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, một trang sử oanh liệt, thể hiện ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Khởi nghĩa Hòa Tú là cơ sở bước đầu để quần chúng tập dượt đấu tranh theo phương thức mới, chuẩn bị tiến lên đấu tranh cho những bước tiếp theo của phong trào cách mạng tại Sóc Trăng.


Ngã tư Cổ Cò - nơi lực lượng khởi nghĩa đánh chiếm đồn Cổ Cò, Nhà việc làng Hòa Tú. Ảnh Tư liệu

    Tình hình chiến tranh và những chính sách phản động của thực dân Pháp ở Đông Dương đặt ra cho Đảng ta phải có những nhận định mới về thời cuộc và có sự chuyển hướng về chỉ đạo chiến lược, sách lược, phương pháp đấu tranh cho phù hợp. Khởi nghĩa Nam Kỳ nói chung, khởi nghĩa ở Sóc Trăng nói riêng bắt nguồn từ tư tưởng ấy, chiến lược lớn ấy của Đảng, và được xác định tại Hội nghị Trung ương tháng 11/1939 là làm cách mạng giải phóng dân tộc phải bằng hình thức tập hợp đông đảo lực lượng quần chúng tham gia thực hiện “bạo động cách mạng” để giành chính quyền về tay Nhân dân. Tư tưởng ấy được Tỉnh ủy lâm thời Sóc Trăng, tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ Sóc Trăng quán triệt nghiêm túc, thực thi sáng tạo.

    Một đặc điểm chung của phong trào cách mạng ở Nam Kỳ giai đoạn (1930 - 1940) là sau khi có tổ chức đảng ra đời ở nhiều nơi, phong trào đấu tranh của quần chúng Nhân dân diễn ra liên tục, sôi nổi, nhưng bị địch khủng bố, bắt bớ, đàn áp, làm cho phong trào cách mạng tổn thất khá nặng nề, nhiều cán bộ, đảng viên trung kiên của các cấp ủy Đảng bị bắt, tù đày, nhưng phong trào cách mạng không có biểu hiện thoái trào; lực lượng cán bộ, đảng viên còn lại vẫn bám trụ địa bàn, tiếp tục hoạt động, chờ thời cơ tiếp tục hoạt động công khai. Sóc Trăng cũng không nằm ngoài đặc điểm đó. Ở Sóc Trăng, trước sự đòi hỏi của thực tiễn công cuộc đấu tranh ở các làng dưới sự lãnh đạo của các chi bộ đảng ngày càng lên cao, cần sự thống nhất hành động, cuối năm 1938 Tỉnh ủy lâm thời Sóc Trăng được thành lập do đồng chí Dương Minh Quan làm Bí thư, đồng chí Phan Minh Gương làm Phó Bí thư, đây là bước ngoặt lịch sử về sự phát triển và trưởng thành của tổ chức Đảng ở Sóc Trăng. Song, sự kiện Tỉnh ủy lâm thời Sóc Trăng được thành lập cũng là mục tiêu càn quét, khủng bố của thực dân Pháp ở Sóc Trăng, nhất là những tháng đầu năm 1939, địch thẳng tay khủng bố phong trào cách mạng ở Sóc Trăng, nhiều đảng viên bị bắt như đồng chí Dương Kỳ Hiệp, Lê Văn Lợi, Nguyễn Văn Thơ, Phan Văn Chiêu, Nguyễn Trung Tĩnh…, số đảng viên còn lại phải rút vào hoạt động bí mật.

    Song, địch càng đàn áp, bắt bớ thì phong trào đấu tranh của quần chúng lại càng dấy lên mạnh mẽ để đòi dân sinh dân chủ. Bằng chứng là các tỉnh thuộc Nam Kỳ dấy lên phong trào vận động thành lập Ủy ban hành động, phát động cao trào đấu tranh mới hợp pháp nửa hợp pháp, bí mật nửa công khai, bằng các phong trào mít tinh biểu tình của quần chúng nhân dân… đây không chỉ là động lực, bổ sung nhân lực cho cách mạng mà còn là phương thức đấu tranh mới, tạo cơ sở cho Đảng chuyển hướng đấu tranh cách mạng trong giai đoạn cụ thể, mới chủ động chớp thời cơ giành thắng lợi. Điều này, Khởi nghĩa Nam Kỳ là minh chứng rõ ràng nhất.

    Ở Sóc Trăng, năm 1939 đến giữa năm 1940, Tỉnh ủy lâm thời Sóc Trăng được củng cố và tăng cường, chỉ đạo xây dựng cơ sở ở các quận, củng cố tổ chức Đảng ở các làng chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa. Trong lúc mọi công việc đang tiến hành khá sôi nổi, khẩn trương, ngày 10/7/1940 đồng chí Dương Minh Quan, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời bị địch bắt, giai đoạn gần ngày khởi nghĩa Tỉnh ủy Lâm thời Sóc Trăng có nhiều biến động về cán bộ, các đồng chí lãnh đạo được điều động, tăng cường, chưa kịp nắm tình hình chung đã nhận lệnh khởi nghĩa. Điều này cho thấy tổ chức Đảng ở Sóc Trăng khi tiến hành khởi nghĩa gặp không ít khó khăn, chưa được chuẩn bị chu đáo cho cuộc khởi nghĩa; mặt khác phong trào quần chúng phát triển mạnh, nhưng chưa đều khắp. Tuy vậy, công việc chuẩn bị khởi nghĩa vẫn được tiến hành ở nhiều nơi, như: Làng Trường Khánh (quận Châu Thành), làng Châu Khánh (quận Long Phú), làng Khánh Hưng (nay là thành phố Sóc Trăng), làng Mỹ Quới (quận Phước Long, nay thuộc thị xã Ngã Năm), làng Hòa Tú (quận Châu Thành, nay thuộc huyện Mỹ Xuyên), quận Kế Sách, quận Vĩnh Châu. Tuy nhiên, do nhận lệnh khởi nghĩa quá gấp rút (14 giờ ngày 22/11/1940 Ban Cán sự tỉnh mới nhận được lệnh khởi nghĩa); mặt khác, kế hoạch khởi nghĩa chung toàn Nam kỳ bị lộ, địch có sự tập trung chuẩn bị đối phó, tuần tra, canh gác nên chỉ có làng Hòa Tú là nổ ra khởi nghĩa và giành được thắng lợi trọn vẹn theo kế hoạch.


Sân nhà đồng chí Văn Ngọc Chính, nơi làm lễ xuất quân khởi nghĩa ở làng Hòa Tú. Ảnh tư liệu

    Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Hòa Tú, đứng đầu là đồng chí Văn Ngọc Chính1, Bí thư Chi bộ - Trưởng Ban Chỉ huy khởi nghĩa, nghĩa quân lần lượt đánh chiếm 4 mục tiêu: Đồn Cổ Cò (Nhà việc làng Hòa Tú), nhà Hương quản Tệt, nhà địa chủ Nguyễn Tấn Lễ và đồn điền Trương Vĩnh Khánh. Nghĩa quân giải tán bộ máy hội tề làng Hòa Tú và thiêu hủy toàn bộ hồ sơ, sổ sách của địa chủ ghi nợ tá điền, thu được 7 súng, giành quyền làm chủ ở làng Hòa Tú.

    Sau khởi nghĩa, được sự chi viện quân của các tỉnh lân cận, thực dân Pháp tiến hành càn quét toàn bộ vùng Hòa Tú. Ngày 28/11/1940, Chủ tỉnh Sóc Trăng (B.Maillard) gởi công điện cho Thống đốc Nam kỳ đề nghị san bằng ngôi đình ở Hòa Tú và đốt tất cả nhà cửa của những người tham gia khởi nghĩa. Ngoài ra, địch còn càn quét, bắt bớ cán bộ, đảng viên và quần chúng có dính líu đến hoạt động chuẩn bị khởi nghĩa ở An Lạc Thôn, Ba Trinh, Xuân Hòa, Trường Khánh, Châu Khánh… Theo thống kê của địch, tính đến ngày 30/12/1940, tỉnh Sóc Trăng có 187 người bị địch bắt. Ngày 19/3/1941, phiên tòa đầu tiên của thực dân Pháp kết án những người tham gia khởi nghĩa ở tỉnh Sóc Trăng được tiến hành. Sau đó, việc xét xử của thực dân Pháp còn diễn ra nhiều lần nữa ở Tòa án quân sự Sài Gòn. Tổng cộng có 36 người Sóc Trăng bị kết án đày đi Côn Đảo, trong đó có 16 người đã vĩnh viễn nằm lại ở “địa ngục trần gian”, số còn lại được Trung ương Đảng đón rước về sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Sóc Trăng, trong đó có đồng chí Văn Ngọc Chính.

    Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ chưa giành được thắng lợi trọn vẹn do nhiều nguyên nhân, thiếu nhiều nhân tố thuộc về tính chất, lực lượng, chiến lược, tổng thể của cả Nam bộ. Nhưng trên hết cuộc khởi nghĩa đã làm rung động cả chế độ thống trị của thực dân xâm lược, là lời cảnh báo cách mạng cho sự sụp đổ sắp diễn ra của chế độ thực dân, phong kiến. Cuộc khởi nghĩa phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường, khát vọng độc lập của dân tộc ta; tính tiên phong, không sợ hy sinh, gian khó của những cán bộ, đảng viên được chiến đấu dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và sự lãnh đạo của Đảng, của Hồ Chủ tịch. Khởi nghĩa Nam kỳ để lại những bài học quý về phát huy tinh thần yêu nước, liên kết các giới đồng bào, các tầng lớp, vận động binh sĩ trong hàng ngũ địch, phối hợp thành thị với nông thôn... Cuộc khởi nghĩa giúp cho các chiến sĩ cách mạng và Đảng ta có thêm dữ kiện để xem xét thấu đáo vấn đề nhận định thời cơ, nắm đúng thời cơ và tận dụng thời cơ; về những điều kiện cần và đủ cho một cuộc khởi nghĩa, là bài học quý giá cho thắng lợi vẻ vang của Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 sau này.


Tượng đài khởi nghĩa Nam kỳ - Hòa Tú 1940. Nguồn baosoctrang.org.vn

    Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở Sóc Trăng diễn ra rộng khắp ở các làng, ở những độ khác nhau, nhưng riêng chỉ có trọng điểm Hòa Tú giành được thắng lợi trọn vẹn theo kế hoạch, dù không tránh khỏi sự đàn áp nhưng đã để lại cho cách mạng, tổ chức Đảng, Nhân dân ở Sóc Trăng những giá trị lịch sử quý báu.

    Khởi nghĩa Nam kỳ ở Sóc Trăng không diễn ra với phạm vi rộng, quy mô lớn. Song, đây là lần đầu tiên Nhân dân, các tộc người tỉnh Sóc Trăng đã được tập hợp dưới ngọn cờ đấu tranh của Đảng trực tiếp đấu tranh bằng vũ lực, đánh tan bộ máy cai trị của địch, giành quyền làm chủ. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ nói chung, khởi nghĩa Sóc Trăng nói riêng đã làm rung động cả chế độ thống trị của thực dân xâm lược, là lời cảnh báo cách mạng cho sự sụp đổ sắp diễn ra của chế độ thực dân, phong kiến.

    Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở Sóc Trăng mà đỉnh cao là khởi nghĩa tại làng Hòa Tú giành được thắng lợi trọn vẹn, cùng với thắng lợi của Nhân dân Nam bộ đã gây tiếng vang lớn trong cả nước, ảnh hưởng tích cực đến các tầng lớp nhân dân, là bước tập dượt lực lượng khởi nghĩa vũ trang đầu tiên của tỉnh, tạo tiền đề cho thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Sóc Trăng.

    Tám mươi năm đã trôi qua, nhưng tiếng hò reo vang dậy của những nghĩa quân, quần chúng nhân dân Hòa Tú, Sóc Trăng vẫn còn vang vọng trong mỗi người dân Sóc Trăng. Tinh thần yêu nước mãnh liệt ấy, khát vọng độc lập tự do ấy, ý chí đấu tranh kiên cường, không sợ gian khổ, hy sinh của những chiến sĩ cộng sản năm 1940 mãi mãi là tấm gương sáng, là dấu ấn đậm nét làm nên lịch sử hào hùng của Đảng bộ và Nhân dân Sóc Trăng.

Xuân Định

 

 

Tài liệu tham khảo

- Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử khởi nghĩa Nam kỳ: Lịch sử khởi nghĩa Nam kỳ, Công trình kỷ niệm 60 năm cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, tháng 5 năm 2001

- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, t.1 (1930 – 1954)

- Tỉnh ủy Sóc Trăng: Khởi nghĩa Nam kỳ 23-11-1940 ở Sóc Trăng, tháng 11 năm 2000.



1 Tháng 2/2010, đồng chí Văn Ngọc Chính được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 32
  • Hôm nay: 6211
  • Trong tuần: 76,918
  • Tất cả: 11,800,238